Không phải ai cũng được làm công việc bản thân mình yêu thích và sinh sống nhờ công việc đó. Và cho dù có đạt được điều đó, niềm yêu thích và đam mê với công việc có thể vụt tắt bất cứ lúc nào nếu bạn không biết cách nuôi dưỡng nó.
Thực tế, những thứ được gắn cho cái mác “công việc” thường nhàm chán ở một điểm nào đấy. Đó có thể là việc lặp đi lặp lại nhiều lần cùng một công việc. Hoặc phải đối phó với hàng loạt vấn đề nan giải đến từ khách hàng. Bạn đừng mơ tưởng có thể giữ được đam mê nhiệt huyết, và giữ công việc luôn ở trạng thái thú vị hằng ngày một cách dễ dàng. Nếu may mắn, sẽ có ít ngày bạn mang cảm giác chịu đựng công việc đang làm. Và nếu không may, mỗi ngày đi làm của bạn có thể sẽ dài như một tháng và chẳng khác nào như địa ngục trần gian, giam cầm sự tự do của bạn.
Không có lời khuyên nào có thể khiến bạn yêu thích công việc bạn đang làm cho mỗi ngày. Nhưng chúng sẽ hữu ích nếu bạn thật lòng muốn đi xa với công việc hiện tại. Và đang tìm mọi cách để giữ ngọn lửa yêu thích cháy mãi. Một ngày chúng ta dành hơn 8 tiếng trên chiếc ghế văn phòng. Vậy cớ gì không để ⅓ ngày đó trở nên tươi sáng và tốt đẹp hơn.
Tận hưởng chính là chìa khoá để tìm được yêu thích trong công việc (Nguồn: ATP Academy)
Chấp nhận sự chán chường của công việc
Nghe có vẻ rất vô lý nhưng đây là bước đầu tiên mà bạn cần phải làm. Chấp nhận cũng như hiểu rằng đã là công việc, chúng ta phải thực hiện với trách nhiệm và bổn phận của cá nhân. Đây cũng là lý do khiến công việc không như trong mơ với nhiều người.
Tóm lại, đừng cố vẽ ra một khung cảnh màu hồng với công việc sắp tới hoặc hiện tại bạn đang làm. Cho dù nó khiến bạn cảm thấy vô cùng hào hứng. Nhưng cũng là nhân tố khiến bạn chán việc nhanh hơn.
Kết hợp giữa việc yêu thích và việc mình làm giỏi
Mô hình IKIGAI
Ở vùng Okinawa của Nhật Bản, cư dân nơi đây đã phát triển nên sơ đồ IKIGAI, được dịch đơn giản là “Lý do để sống”. Mô hình này cho rằng: để cảm giác được sống, hay cụ thể hơn trong trường hợp này là tìm được công việc như ý, bạn phải kết hợp giữa 4 yếu tố: Yêu thích; Làm tốt; Kiếm ra tiền; Đáp ứng được nhu cầu nào đó của xã hội.
Áp dụng mô hình Ikigai để tìm được công việc yêu thích (Nguồn: Sofiri)
Nếu chưa nhận ra được bản thân mình phù hợp với công việc gì. Bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm nhiều thứ trước khi dừng chân ở bến đỗ cuối cùng. IKIGAI sẽ giúp bạn ngồi xuống nhìn lại bản chất con người mình. Không có nhiều người thật sự hiểu bản thân mình. Do đó, đừng ngại dành thời gian tự hỏi chính bản thân mình: “Thật sự mình thích gì?”
Tìm ra đam mê của chính mình
Liệt kê tất cả những sở thích của bản thân, kể cả những thứ điên rồ nhất. Bạn thích đá bóng, vẽ tranh, chơi game, kỹ thuật số, khoa học vũ trụ,…, Hãy cứ thành thật và viết hết lên giấy. Sau đó, ở phía bên cạnh, hãy tiếp tục liệt kê những điều bạn cho rằng mình làm khá tốt. Không nhất thiết phải trở nên chuyên nghiệp, hoàn hảo ở một khả năng nào đó. Chỉ cần bạn cho rằng bạn làm việc đó một cách nhẹ nhàng thoải mái. Và mọi người cũng ngầm công nhân khả năng đó của bạn.
Một ví dụ cụ thể như đối với cậu bạn Nobita, đó chính là kỹ thuật chơi dây, ngắm mục tiêu, hay đơn giản chỉ là giúp đỡ mọi người. Hai cột được liệt kê không nhất thiết phải có yếu tố giống nhau, kể cả đối với những việc bạn giỏi nhưng lại không phải đam mê. Bạn hoàn toàn có thể tận dụng nó cho công việc của mình.
Đặt mục tiêu và đạt mục tiêu
Đặt mục tiêu có tính thử thách
Để giữ niềm yêu thích với công việc, thay vì phụ thuộc hoàn toàn với tiến độ và con đường sự nghiệp mà công ty vạch ra sẵn, bạn hoàn toàn có thể xây dựng cho mình một hệ thống quy chuẩn và mục tiêu cá nhân. Chẳng hạn như: Trong tuần này, mình sẽ tìm ra cách nâng tầm kỹ năng sử dụng Microsoft Excel lên mức Advanced”. Mặc dù công ty không yêu cầu bạn làm như thế.
Tăng niềm yêu thích công việc bằng cách tự tăng thử thách cho bản thân (Nguồn: Brands Vietnam)
Chúng cũng có thể là những mục tiêu dài hạn. Năm sau, tôi sẽ được đi vòng quanh Châu Âu. Muốn thế, bạn phải nỗ lực làm việc, tiết kiệm chi phí và lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi. Điều đó giúp cuộc sống và công việc trở nên có định hướng hơn hẳn, thay vì biết ngày nào hay ngày đó.
Tận hưởng cảm giác thành tựu khi hoàn thành mục tiêu
Và một khi đã có mục tiêu, việc tiếp theo của bạn là đạt được nó. Đó là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì từ bạn. Chúng là thử thách bạn đặt ra cho chính mình, và nếu vượt qua được nó, bạn sẽ gặt hái được nhiều thứ tuyệt vời mà mình hằng mong. Đây chính là cách tạo ra động lực cơ bản để giữ niềm yêu thích trong công việc.
Suy cho cùng, đừng quá cố làm một điều gì đó khi nó đã có dấu hiệu sai trái. Rằng bạn cũng nên cảnh giác những công việc không phù hợp, môi trường làm việc độc hại khiến bạn luôn luôn phải tự động viên chính mình để hoàn thành tiến độ công việc. Để nhận biết việc quyết định đi hay ở lại một công ty, bạn có thể tham khảo các bài viết về “Các dấu hiệu cho thấy bạn nên nghỉ việc ngay lập tức” của chúng tôi, hoặc hỏi thăm các tips đến từ những người đi trước như bố mẹ, anh chị và người quen đã có kinh nghiệm lâu năm. Chúc các bạn luôn giữ được lòng nhiệt thành với công việc.