Cái tôi, đừng nên được đặt quá cao!

by nguyenhongthao

Cái tôi luôn tồn tại bên trong mỗi người. Nó giống như bản năng, là cái đặc trưng riêng, không ai giống ai. Tuy nhiên nếu để cái tôi quá lớn sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên rất nặng nề và bị giới hạn ở nhiều mặt. Thay vì để cái tôi bản ngã trở nên to đùng lên hãy học cách dung hoà nó lại. Có như vậy chúng ta mới có thể sống một cuộc đời ung dung tự do. Nhưng làm thế nào để hạ cái tôi xuống và tại sao cần làm như vậy. Hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới. Tôi sẽ cho bạn thêm động lực để dung hoà cái tôi bên trong nhé.

1.Định nghĩa về cái tôi

Cái tôi chính là sự nhận diện của mỗi chúng ta. Nó bao gồm nhiều thành tố khác nhau như: Tên, tính cách, những trải nghiệm, niềm tin. Cái tôi còn là sự tự nhận thức được giá trị, nhân phẩm, cốt cách cá nhân. Nó là điểm để phân biệt chúng ta với các cá thể khác.

Cái tôi là sự nhận thức được giá trị, nhân phẩm, cốt cách cá nhân  (Nguồn: Internet)

Cái tôi được hình thành theo thời gian trong quá trình sinh sống và trải nghiệm của từng người. Vì thế mỗi người có mỗi hệ tham chiếu khác nhau, cho nên ai cũng có những cái tôi rất riêng. Cái tôi là sự tự hào hãnh diện về tài năng, phẩm giá và ý chí của mỗi người. Cái tôi còn là mong muốn được khẳng định bản thân nếu nói theo hướng tích cực. Nhưng ngược lại nếu cái tôi này đi quá giới hạn, sinh ra tự cao, kiêu ngạo, xem bản thân mình là nhất thì đây là cái tôi được xét trên phương diện tiêu cực.

2.Cái tôi lớn tác động tốt hay xấu

2.1 Cái tôi cao khiến chúng ta khó mà phát triển, vì sao ư?

Trong công việc và cuộc sống thường nhật những người có cái tôi cao thường khá bảo thủ và cứng nhắc, khó lắng nghe ý kiến của người khác. Chính vì thế mà họ rất hiếm khi nhận lỗi về bản thân. Đây chính là nguyên nhân khiến người có cái tôi cao khó lòng mà phát triển.

Cao ngạo khiến chúng ta khó lòng mà phát triển

2.2 Rào cản cho những mối quan hệ

Trong những mối quan hệ, đặc biệt là trong tình yêu, quá đề cao bản thân đôi khi là nguyên nhân dẫn đến cãi vã và tan vỡ. Trong sinh hoạt thường ngày thật khó để không xảy ra va chạm. Chính lúc này cái tôi sẽ là điểm then chốt quyết định rằng sự việc sẽ trở nên yên ắng hay đi đến cao trào và chiến tranh lạnh.

Nếu gặp phải một vấn đề gây tranh cãi, lúc này nếu đôi bên biết cách hạ chữ tôi của mình xuống thì mọi chuyện đều có hướng giải quyết êm đẹp hơn. Thế nhưng nếu như không ai chịu lắng nghe ai, ai cũng xem bản thân mình là đúng thì hồi kết của cuộc tranh luận sẽ là mất kết nối. Đôi khi chỉ vì một vài câu nói để chúng ta phận định thằng thua, đúng sai trong cuộc cãi vã mà dẫn đến việc mất nhau. Thật không đáng chút nào nếu chỉ vì chữ tôi cá nhân mà đánh mất đi những mối quan hệ.

Quá đề cao bản thân, đôi khi là nguyên nhân dẫn đến cãi vã, tan vỡ  (Nguồn: Internet)

3.Rèn luyện đức tính thành công bằng cách hạ thấp cái tôi

Để hoà nhập được với mọi người và có thể học tập từ nhiều phương diện hơn. Chẳng còn cách nào khác là ta phải hạ thấp chữ tôi của mình xuống. Thế nhưng bằng cách nào?

3.1 Tự nhắc nhở bản thân

-Ngủ quên trên chiến thắng là nguyên nhân lớn dẫn đến cái tôi cao

Hãy nhớ rằng dù bạn có xuất sắc đến mấy thì cũng còn rất nhiều người xuất sắc hơn bạn. Dù bạn đứng đầu trong một lĩnh vực nào đó thì ở rất nhiều lĩnh vực khác vẫn có người giỏi hơn bạn. Không có gì là tuyệt đối, thế nên đừng lấy điểm mạnh của bản thân mà đi so sánh với người khác rồi thấy rằng chúng ta hơn rất nhiều người.

Mỗi người chúng ta đều có những sở trường và sở đoản khác nhau. Thay vì tập trung vào điểm yếu của người khác. Từ đó sinh ra chủ quan, nghĩ rằng bản thân không cần phát triển nữa. Hãy liên tục tự nhắc bản thân rằng ” tôi luôn cần hoc tập nhiều hơn nữa “. Có như vậy thành công của chúng ta mới có thể lặp lại. Nếu như ai trong chúng ta cũng luôn đặt mình trong tâm thái này. Chắc chắn rằng thành công mà chúng ta gặt hái sẽ luôn nối đuôi nhau, lũ lượt mà kéo đến.

-Hãy bắt đầu công nhận người khác:

Khi công nhận và ngưỡng mộ người khác, bạn sẽ học được nhiều hơn (Nguồn: Internet)

Công nhận và ngưỡng mộ thành tựu của người khác sẽ mang lại rất nhiều lợi ích không ngờ tới cho bạn đấy. Đây là loại trải nghiệm tuyệt vời mà tôi cảm nhận được khi bắt đầu công nhận ưu điểm của người khác. Khi tôi công nhận họ tôi nhìn thấy được sự xuất sắc của những người mà tôi được tiếp cận. Từ đó trong tôi như có cái gì đó thôi thúc rằng tôi cần phải học tập thật nhiều hơn nữa.

Chính vì muốn học được nhiều hơn nên tôi trân quý từng phút. Nhờ đó mà tôi tìm đến những phương pháp quản lý thời gian. Vì vậy mà giờ đây tôi đã có thể quản lý thời gian tốt hơn. Bên cạnh đó nhờ biết rằng bên ngoài kia luôn có những người xuất sắc hơn mình nên mỗi ngày dù bận bịu thế nào tôi luôn dành ra thời gian để học tập. Cũng chính vì vậy mà tôi đã hình thành trong suy nghĩ một thói quen là: Trước khi mặt trời của ngày hôm sau ló dạng, tôi nhất định phải có thêm một giá trị gì đó mới mẻ.

3.2 Làm bạn với lòng biết ơn, cái tôi sẽ bé lại

Vô ơn chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc cao ngạo quá mức. Chúng ta chỉ có thể kiêu căng khi nghĩ rằng thành công của chúng ta là do chính chúng ta tự tạo nên. Hạnh phúc mà chúng ta đang có không nhờ vào bất kỳ ai cả.

Nhưng bạn ơi đừng quên mất rằng: Nếu như không có ai cho bạn ăn học, không có ai cho bạn kiến thức. Nếu như không có ai công nhận thành công của bạn. Thì cơ sở nào để bạn biết mình thành công. Và hãy xem lại rằng có phải bạn đang hạnh phúc vì có được nhiều tiền. Hoặc là vì người thân bạn vẫn ở ngay bên cạnh. Liệu bạn có còn hạnh phúc nỗi không nếu tiền của bạn mất đi, người thân bên cạnh không còn một ai?

Chẳng có thứ gì hoàn toàn là của chúng ta, kể cả thành công cũng vậy  (Nguồn: Internet)

 

Có một điều rất thật đó là: Những thứ mà chúng ta đang có không hoàn toàn là của ta. Ngay cả cơ thể của chúng ta cũng là sự đóng góp của rất nhiều người. Vì vậy hãy tập cách nhìn sâu vào bản chất vấn đề hơn, và biết ơn nhiều hơn nữa. Biết ơn vì tất cả những thứ mà chúng ta may mắn có được.

3.3 Học cách lắng nghe

Khi ai đó đóng góp ý kiến hoặc phát biểu. Hãy dành sự tôn trọng cho họ, hạ thấp cái tôi xuống và lắng nghe họ nói. Đôi khi chỉ một vài từ khoá trong lời nói của người khác biết đâu lại có thể giúp bạn nhận ra sự thiếu sót của bản thân. Bên cạnh đó nếu bạn biết lắng nghe bạn sẽ học được nhiều hơn đấy. Đặc biệt là khi ai đó đang phát biểu ý kiến, dù đúng dù sai thì việc đầu tiên cần làm là hãy nghe hết đã. Có khi bạn sẽ có thêm rất nhiều ý tưởng từ ý kiến của họ cũng nên.

Lắng nghe sẽ giúp cho bạn có thể học được nhiều hơn và có được thiện cảm từ những người xung quanh  (Nguồn: Internet)

Mọi vấn đề đều có hai mặt. Cái tôi thật chất không hề xấu nếu nó mang hơi hướng nhận dạng chất riêng. Nhưng cái tôi cao lại là một vấn đề khác. Nếu xét trên phương diện này thì cái tôi không còn dừng lại ở cái đặc trưng riêng nữa rồi. Quá tự cao sẽ khiến cho bạn khó lòng mà phát triển bản thân, thậm chí là mọi người chẳng ai muốn ở gần. Vì vậy hãy học cách hạ thấp cái tôi của mình xuống. Hạ thấp cái tôi không phải là tự hạ thấp bản thân mà là để cho bạn có thể dung hoà được với mọi người. Từ đó có thể tiếp thu được nhiều hơn và nhanh chóng có được thành tựu hơn.

You may also like