Sự trì hoãn là một hiện tượng tâm lý không mấy xa lạ với chúng ta. Bạn có cả khối công việc cần hoàn thành. Nhưng thay vì tập trung thực hiện thì bạn lại chọn phương án “để mai tính”. Bạn biết đấy là những việc quan trọng nhưng vẫn không muốn làm, không có động lực. Chúng ta thường nghĩ trì hoãn sẽ luôn đi chung với khái niệm tiêu cực. Nhưng bạn biết không thật sự mà nói thì trì hoãn không hoàn toàn xấu. Tại sao nó không xấu như chúng ta hay nghĩ thì hãy cùng tôi tìm hiểu ngay nhé!
1.Tại sao chúng ta trì hoãn?
Sự trì hoãn luôn có mặt mỗi khi bạn muốn làm một điều gì đó năng suất. Dù cho bạn có nhận ra nó hay không, có một nguồn lực từ phía bên trong đang chống lại sự quyết tâm của bạn. Mỗi khi bạn muốn tập thể dục, hoàn thành bản kế hoạch hay cầm quyền sách lên thì kháng lực sẽ xuất hiện len lỏi vào trong đầu bạn khiến cho bạn dừng lại. Đó là lý do mà bài luận của bạn mãi chưa viết xong trang đầu, cơ bụng của bạn thì vẫn còn đang rất ấm áp và thoải mái ở phía sau lớp mỡ…. Kháng lực sinh ra khi chúng ta chuyển đổi trạng thái từ dễ chịu sang khó chịu. Chúng ta sẽ bắt đầu tìm những lý do để bao biện cho bản thân để hoãn lại việc cần làm ấy.
2. Trì hoãn không hoàn toàn là xấu
Chuyện gì cũng có hai mặt của vấn đề và trì hoãn cũng không ngoại lệ. Sự trì hoãn sẽ không bao giờ mất đi, bất cứ ai cũng phải đối diện với nó hàng ngày, kể cả những người thành công. Khi đứng đằng sau sân khấu, trước một màn trình diễn, họ không thể nào không lo lắng.
Nhưng điều khiến họ khác chúng ta là khi họ cảm nhận được cảm giác khó chịu của trì hoãn thì họ sẽ vượt qua để làm được điều mà họ muốn làm. Thật ra tập thể dục, đọc sách không mệt mỏi và chán nản như bạn nghĩ. Khi bạn vượt qua được nó, bắt đầu ngồi vào bàn làm việc bạn sẽ dần không còn cảm thấy khó chịu nữa. Có khi bạn còn làm việc với trạng thái dòng chảy nữa đấy. Tuy trạng thái trì hoãn không xấu như ta hay nghĩ. Nhưng hầu như rất nhiều trong chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi mặt tiêu cực của trì hoãn. Vậy liệu bạn có biết rằng bản thân bạn đang trì hoãn theo kiểu nào không? Hãy cùng tôi lướt xuống nhé!
4. Ba kiểu trì hoãn tiêu biểu:
4.1 Cầu toàn

Cầu toàn cũng là một nguyên nhân của sự trì hoãn (nguồn internet)
Kiểu trì hoãn đầu tiên là trì hoãn cầu toàn. Những người cầu toàn luôn muốn những việc mình làm phải thật hoàn hảo. Họ muốn có tâm thế tốt nhất trước khi triển khai việc gì đó. Vì vậy khi chuẩn bị làm bất cứ việc gì họ thường mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Vì thế mà có rất nhiều chuyện bị trễ nãi, hoặc rất lâu sau đó mới được thực hiện.
4.2 Tâm lý phản kháng một cách tiêu cực
Những người này thường rơi vào những trường hợp phải làm những việc mà bản thân họ không thích. Nhưng không thể từ chối thẳng thừng được, hoặc đã từ chối nhưng không thành công. Nên họ dùng thái độ trì hoãn để thể hiện tâm ý. Nguyên nhân khiến họ bị trì hoãn có thể là phải làm những việc không có ý nghĩa. Họ cho đấy là lãng phí thời gian và sức lực. Vì thế thường có xu hướng gạt công việc qua một bên mà không trực tiếp bắt tay vào xử lý chúng.
4.3 Ham muốn sự thoải mái nhất thời

Sự trì hoãn đến từ những ham muốn thoải mái nhất thời
Trường hợp này là những người không có khả năng trì hoãn sự thoải mái. Những điều mà họ làm nếu như không nhìn thấy lợi ích ngay thì họ sẽ chọn cách trì hoãn hoặc bỏ cuộc. Điển hình là việc học một kỹ năng nào đó là cả một quá trình. Việc không nhận được kết quả ngay lập tức khiến họ không có động lực để bắt đầu. Vì thế một chuỗi có các lý do để mai làm được đưa ra. Qúa trình cứ tiếp diễn như vậy và sau một thời gian nhìn lại: Họ đã mất quá nhiều thời gian để bắt đầu và rất khó để có thể đạt được kỹ năng đó.
5.Con đường nào cho chúng ta thoát khỏi sự trì hoãn?
5.1 Nhận biết bản thân đang theo trường phái trì hoãn nào:
Muốn giải quyết một vấn đề việc đầu tiên là phải biết nguyên nhân. Có bệnh thì phải chẩn xem là bệnh gì mới có thể kê toa. Muốn giải quyết trì hoãn trước tiên bạn hãy xác định xem bản thân đang thuộc tuýp trì hoãn nào. Sau đó việc chữa căn bệnh trì hoãn này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
5.2 Không có phương pháp giải quyết trì hoãn nào tốt nhất chỉ có phù hợp nhất:
Đến đây thì tôi chúc mừng cho các bạn vì đã xác định được bản thân đang thuộc kiểu trì hoãn nào. Bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây để có thể loại bỏ thói quen trì hoãn:
-Xây dựng kế hoạch
Bạn không thể hoàn thành xuất sắc một kế hoạch nếu bạn không biết những công việc nào cần phải hoàn thành. Đầu tư một bảng kế hoạch chi tiết, đầy đủ sẽ giúp bạn kiểm soát được những nhiệm vụ cá nhân một cách dễ dàng.
-Đặt thời hạn cho nhiệm vụ bạn cần hoàn thành
Trì hoãn là một thói quen khó bỏ. Tuy nhiên bạn có thể khiến cho bản thân trở nên kỷ luật hơn bằng cách tự tạo áp lực về thời gian cho mình. Hãy chia nhỏ ra những mục tiêu cần làm và đặt ra những mốc thời gian tương ứng để xử lý. Sau khi chia nhỏ công việc ra thì hãy tuân thủ một cách thật sát sao.
-Tránh đa nhiệm
Chúng ta thường lầm tưởng rằng đa nhiệm là trong một lúc tự mình có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ. Nhưng thật chất đa nhiệm chính là một trong những nguyên nhân khiến cho sự trì hoãn trở nên nghiêm trọng hơn. Ôm quá nhiều việc cùng một lúc sẽ khiến cho bản thân bị mệt mỏi, stress.
Việc này khiến cho bạn khó lòng hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Bạn nên tập trung vào sự việc ngay trước mắt cần giải quyết. Thay vì dành thời gian cho tất cả công việc cùng một lúc. Hãy hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể trong những khoản thời gian cụ thể. Điều này không chỉ giúp cho bạn có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách năng suất hơn mà còn bớt đi rất nhiều căng thẳng không đáng có.
-Hãy tìm cho bản thân một phương pháp phù hợp nhất để loại bỏ sự trì hoãn
Có rất nhiều cách để loại bỏ sự trì hoãn. Nhưng vì chúng ta là những cá tính khác nhau nên ta không thể nào áp dụng cùng một giải pháp nhất định được. Có thể những giải pháp mà tôi đưa ra không hoàn toàn hợp lý với bạn. Vậy nên hãy linh hoạt tìm ra cho mình một phương pháp phù hợp nhất. Và tôi tin rằng khi các bạn đã biết lý do đằng sau trì hoãn là gì thì tự khắc các bạn sẽ biết cách để mà giải quyết.
Có những chuyện ta để ngày mai mới tính. Nhưng bạn biết không vì hai tiếng ngày mai ấy mà có rất nhiều giấc mơ đẹp đã mãi mãi không thể trở thành hiện thực. Vì vậy đừng dung túng cho thói quen trì hoãn. Nếu có trì hoãn hãy trì hoãn sự hài lòng với bản thân của chúng ta.